Saturday 27 March 2010


http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=4428

Saturday 27 Mar 2010 03:39 pm PST
Silicon Valley's Weekly Newspaper
March 26, 2010
“Quyền Bệnh Nhân”, Kịch Tính Hơn “Hamlet”
HOÀNG NGỌC NGUYÊN-Việt Tribune
Cuộc vận động cải tổ y tế ở nước Mỹ không thể kịch tính hơn và cũng chẳng thể có một kết thúc kịch tính hơn. Cuộc đấu tranh quyết liệt, không khí rờn rợn nặng nề đầy những âm mưu, và sự nhốn nháo náo động của một quần chúng bị khích động… tất cả những yếu tố đó đã khiến cuộc vận động “hòa bình” này mang những âm hưởng của một cuộc cách mạng bạo động. Và ngay cả vở kịch Hamlet của Shakespeare cũng kém xa “Khi Quyền Bệnh Nhân Lên Tiếng” về mặt kịch tính.
TT Obama ký ban hành luật cải tổ hệ thống bảo hiểm Y tế mới tại Bạch Ốc ngày 23 tháng 3, 2010. Saul Loeb/Getty Images
Lên tiếng trong đêm Chủ nhật 21-3, chưa đến một giờ trước khi 429 dân biểu biểu quyết (hai người không bỏ phiếu) về luật cải tổ y tế với số phiếu 219-210, một dân biểu đảng Dân Chủ đã gọi không sai đây là đạo luật dân quyền thứ ba trong lịch sử 234 năm của nước Mỹ. Đạo luật thứ nhất là về việc thiết lập một hệ thống An sinh Xã hội cho người dân vào năm 1935 mà tác giả là Tổng thống thuộc đảng Dân Chủ Franklin D. Roosevelt, nhằm tạo sự an toàn kinh tế cho người già, người nghèo, người thất nghiệp, góa phụ và trẻ mồ côi. Đạo luật này ra đời trong hoàn cảnh kinh tế “Đại khủng hoảng”, người khốn khổ đầy đường đầy xá, nhưng Tổng thống Roosevelt thông qua được cũng là nhờ ưu thế đa số của đảng Dân Chủ tại Quốc Hội. Năm 1965, một tổng thống cũng thuộc đảng Dân Chủ, ông Lyndon B. Johnson, đã ký luật tăng cường Đạo luật An sinh Xã hội của ông Roosevelt, bằng cách mở ra bảo hiểm y tế cho người già trên 65 và người nghèo, ngày nay quen thuộc đối với tất cả mọi người dưới tên gọi là Medicare cho người già và Medicaid cho ngưòi nghèo. Hai người được thẻ Medicare đầu tiên là cựu Tổng thống Harry Truman và vợ ông. Đó là thời ông Johnson say mê theo đuổi lý tưởng “Đại Xã Hội” cho người già, người nghèo, người da màu, người neo đơn. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm cho giấc mơ “Đại Xã Hội” trở thành “Bại Xã Hội”. Có hai ắt phải có ba, nhưng đạo luật thứ ba đã mất đến 45 năm sau mới thành hình sau khi trải qua một hành trình gian khổ không phải chỉ 45 năm mà có thể nói kéo dài đến 75 năm, tức là từ khi đạo luật đầu tiên bắt đầu. Và người ta không do dự gọi đó là “Patient’s Rights Act”.
Ít nhất là từ thời ông Roosevelt, nếu không sớm hơn, tổng thống Dân Chủ nào cũng muốn thiết lập một chế độ bảo hiểm y tế đại chúng. Như một dân biểu đã lên tiếng sau khi Hạ Viện thông qua luật y tế: nay cuối cùng chúng ta đã bắt kịp các nước châu Âu sau một trăm năm! Những tổng thống đã nổi bật trong cuộc tranh đấu này và đã thất bại là Harry Truman, Lyndon Johnson, Jimmy Carter và gần đây nhất là Bill Clinton, mặc dù ông Clinton có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Đệ nhất Phu nhân Hillary Clinton, là người luôn luôn nồng nhiệt với lý tưởng bảo hiểm y tế đại chúng. Tuy nhiên, một tổng thống Cộng Hòa lại suýt thành công trong mục tiêu này, chính là ông Richard Nixon – nếu ông không chẳng may vướng vào vụ Watergate. Có người ví cuộc xung đột giữa người Dân Chủ và Cộng Hòa về việc cải tổ y tế như một cuộc nội chiến bắc-nam 1861-1865. Cuộc nội chiến này chấm dứt sau bốn năm tương tàn. Cuộc nội chiến y tế, cũng là một cuộc đấu tranh cho dân quyền, trải ra hơn 70 năm trên cả hai thế kỷ. Nhìn qua thì cuộc chiến bốn năm tổn thất nhân mạng rõ rệt nhiều hơn, khoảng 600,000 binh sĩ hai bên hy sinh và 400,000 thường dân vô tội tử nạn vì giặc giã – tổng cộng trong một triệu người này đến hơn 600,000 người chết vì bệnh tật. Thế nhưng trong hơn bảy thập niên qua, làm sao tổng kết được bao nhiêu chiến sĩ vô danh, những thường dân vô tội, đã chết vì bệnh tật do không có bảo hiểm y tế? Theo một tính toán thì trung bình một năm có đến 22,000 người chết vì không có bảo hiểm y tế. Con số này rất xa sự thực, nhưng ngay cả tính toán trên con số này, sau gần 50 năm đã có một triệu người chết! Cho nên, sự so sánh này là không cùng.
Ngày 23-3, tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã ký ban hành “Đạo luật Dịch vụ Y tế trong Khả năng cho nước Mỹ” (Afforedable Health Care for America Act) trước sự tập hợp hoan hỉ của những người Dân Chủ tại Thượng Viện và Hạ Viện. Luật này sẽ mở ra bảo hiểm y tế cho ít nhất 32 triệu người không có bảo hiểm, đòi hỏi mọi người phải mua bảo hiểm và qui định sự giúp đỡ của chính phủ với những người lợi tức thấp, tạo cơ chế giám sát các doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm và dịch vụ y tế, đặt ra một số qui định cấm các công ty bảo hiểm từ chối bệnh nhân và cấm đặt mức tối đa chi phí thanh toán trong trọn đời đối với thân chủ… Sự ban hành luật này tức thời có ý nghĩa lịch sử, không chỉ vì lần đầu tiên nó đặt ra cho nước Mỹ một hệ thống bảo hiểm y tế bao gồm những người không có khả năng mua bảo hiểm, tuy chưa phải là “đại chúng” theo nghĩa “một đầu chi trả”, kết thúc (tạm thời) một cuộc đấu tranh dằng đặc cả bảy tám thập niên, mà còn vì người thành công trong sứ mạng này là vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ, ngay trong nhiệm kỳ đầu của ông, và ngay trong đầu năm thứ nhì của nhiệm kỳ đầu này. Ông đã làm được việc mà nhiều tổng thống Dân Chủ da trắng trước ông đã cố nhưng không làm được – có lẽ phần lớn cũng là vì ông có thời cơ là một đa số Dân Chủ tại hai viện và cuộc suy thoái làm cho sự ngặt nghèo của con người càng thêm nổi bật.
Hệ thống y tế ở nước Mỹ càng ngày càng để lộ những vấn đề nghiêm trọng khiến cho người ta gọi đó là một hệ thống “đã hỏng”, “nhiều khuyết tật” và cần phải sửa chữa cấp thời, nhưng nhu cầu sửa chữa càng lớn, càng khẩn thiết, thì sự chống đối cũng càng mạnh mẽ và quyết liệt – như người ta đã thấy ở các phiên họp tại các hội trường thị xã hội mùa hè năm ngoái hay lễ hội trà vào hai mùa thu-đông vừa qua. Vấn đề không chỉ là con số gần một phần sáu dân số không có bảo hiểm, vấn đề là các công ty bảo hiểm cứ mạnh tay tăng bảo phí hàng năm bất kể khả năng chịu đựng của người dân, một kỹ nghệ chi đến ít nhất 30% tiền thu được vào phí quản trị tổng quát, bao gồm quảng cáo, trả lương cao bổng hậu cho giới giám đốc, trong khi chưa đến 60% dành cho trang trải thanh toán cho những bên cung cấp dịch vụ (nhà thương, bác sĩ, dược phòng)… Cách làm ăn của các công ty bảo hiểm cũng cho thấy “lòng dạ” sắt đá nơi một ngành mà nhân bản, nhân đạo phải là cái tâm của con người: từ chối người có những bệnh nặng như ung thư, người có tiền sử bệnh, những người mắc những bệnh rất phổ biến như huyết áp cao, mỡ trong máu cao, tiểu đường…; không hỗ trợ những xét nghiệm có tính phòng ngừa; kỳ thị với phụ nữ… Người ta cũng nói đến tình trạng nước Mỹ đến 1/6 Tổng sản lượng nội địa là dành cho chi tiêu y tế, trung bình một người không dưới $8.000/năm là mức cao nhất thế giới, nhưng chất lượng y tế của Mỹ không có mặt trong 10 nước đứng đầu trong thế giới phát triển. Và vì cái cơ chế đó mà bác sĩ ở Mỹ cũng nổi tiếng đặc biệt với cách làm ăn gom gọn trong ba từ: over-screening (xét nghiệm thái quá), over-treating (trị liệu thái quá) và over-charging (tính tiền quá mạnh tay không sợ con bệnh đau). Người nghèo có Medicaid nay không tìm ra bác sĩ. Người già có Medicare không đủ tiền mua thuốc… Dĩ nhiên các doanh nghiệp bảo hiểm y tế và cung cấp dịch vụ y tế, các nhà thương, các công ty sản xuất dược phẩm, là những người chống đối quyết liệt, triệt để những nỗ lực cải cách từ bấy lâu nay, không phải chỉ mới đây. Và sự kết hợp của những người Cộng Hòa trong cuộc vận động chống lại cải cách y tế cũng chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên. Nó vừa có tính truyền thống vừa là vấn đề bản chất.
Nhưng từ khi Tổng thống Obama mở ra cuôc vận động vào tháng Hai năm ngoái, phía chống đối cũng tức thì dàn trận và tìm cách liên kết một số thành phần khác trong xã hội bằng một chiến dịch tuyên truyền khủng bố làm cho ngưòi ta sợ và mệt mỏi việc cải tổ: người thì sợ mất phúc lợi, người thì lo phải đóng thuế cao hơn, người thì e sẽ phải đóng bảo phí nặng hơn… Người ta cũng khéo chuyển cuộc đấu tranh thành một cuộc tranh chấp “ý thức hệ” ngay cả giữa những người cùng đảng (phía tự do thì đòi “giải pháp y tế quốc doanh”, gia tăng trợ giá bảo phí cho người nghèo; người Dân Chủ bảo thủ thì không hài lòng “giá niêm yết” của luật cải tổ 940 tỷ và việc sử dụng công quỹ cho phá thai, người cũng chống việc bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm…), khiến cho ngay trong đảng Dân Chủ tại Hạ Viện, trong cuôc bỏ phiếu đầu tiên vào tháng Mười Một năm ngoái, đã có 38 người bỏ phiếu theo 177 người Cộng Hòa (một người Cộng Hòa duy nhất bỏ phiếu theo đảng Dân Chủ là Cao Quang Ánh ở tiểu bang Louisiana, nhưng tối Chủ nhật 21-3 thì ông trở lại hàng ngũ Cộng Hòa).
Nhưng tin vào thời cơ của mình (đa số tại Quốc Hội và suy thoái), ông Obama đã để lỡ hai hạn kỳ thông qua luật cải tổ y tế là mùa hè năm ngoái và Giáng Sinh vừa qua. Khi ông Scott Brown người Cộng Hòa từ Massachusetts được bầu vào Thượng Viện vào ngày 12-1 để thay cho người quá cố là ông Edward Kennedy, thì đúng là “thời cơ” đầu của ông Obama và đảng Dân Chủ đã bị thử thách. Đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện nay có thêm ông Brown là có được 41 người cần thiết để chống lại việc thảo luận và biểu quyết trở lại luật cải tổ mà họ đã thông qua vào tháng Mười Hai nhưng Hạ Viện không chấp thuận. Suy thoái sau hai năm làm cho người ta mất bình tĩnh vì nạn thất nghiệp còn căng, chẳng ai thích thú với cuộc tranh cãi “mất thì giờ” để cải tổ y tế nữa – nhất là khoảng 80% người dân đã có bảo hiểm hoặc là từ nhà nước, từ doanh nghiệp, từ Medicaid, Medicare, thì họ cần gì nhìn đến những người không có bảo hiểm nữa. Khi đảng Dân Chủ thấy thời cơ của mình đã hết, đó là lúc đảng Cộng Hòa thấy thời cơ của mình đã tới. Họ càng thề chống phá đến kỳ cùng luật cải tổ y tế và sẽ đánh giốc tới tháng 11 năm nay là tháng có cuộc bầu cử mà họ tin rằng có thế giành lại đa số!
Luật cải tổ y tế đã được thông qua, nghĩa là đảng Cộng Hòa đã thất bại, một sự thất bại một phần lớn do sự chủ quan về thời cơ và sự áp dụng một chiêu thức có thể “gậy ông đập lưng ông”. Họ tiếp tục đả phá, nên tiếp tục tô đậm lên hình ảnh của một đảng Cộng Hòa tiêu cực, chỉ biết nói không. Trong bế tắc, Obama và đảng Dân Chủ đã tìm ra được sinh lộ, đó là con đường “hòa giải ngân sách”. Họ đã động viên người Dân Chủ thay vì khoanh tay “chờ chết” trong tháng 11 tới phải sắp xếp lại hàng ngũ và tỏ ra đoàn kết hơn để đột phá vòng vây. Từ một tình thế “đã là hết”, ông Obama đã chuyển qua thế “tổng phản công” và xác định được hướng phải công phá quyết định. Rốt cuộc thì yếu tố then chốt trong luật cải tổ này là một “Lệnh Hành Pháp” do chính Tổng thống ký vào ngày thứ Tư 24-3 cấm việc sử dụng công quỹ cho việc phá thai! Một chuyện to tát như bảo hiểm y tế đại chúng lại được giải quyết bằng một thủ thuật rất nhỏ. Với thỏa thuận này giữa ông Obama và những người Dân Chủ chống phá thai, phe Dân Chủ tại Hạ Viện ủng hộ cải tổ có thêm được bảy phiếu nữa, và do đó nhanh chóng thông qua luật y tế của Thượng Viện ký vào tháng Mười Hai và được chuyển xuống cho Hạ Viện. Nay, Thượng Viện sẽ phải xét một dự luật “hòa giải” về cải tổ y tế của Hạ Viện đưa lên, nội dung là sửa chữa một số điều của luật Thượng Viện theo ý Hạ Viện. Những người Dân Chủ tại Thượng Viện chỉ cần đa số quá bán, tức 51 người để thông qua mà không sợ gặp phải “hàng rào lửa” của 41 người Cộng Hòa.
Tính cho đến hôm nay, những người Cộng Hòa chưa tỉnh giấc mơ về thời cơ của họ. Đến hơn 10 tiểu bang có thống đốc là Cộng Hòa đưa đơn kiện luật y tế. Tại Thượng Viện, phía Cộng Hòa cũng tìm cách ngăn chận việc thông qua luật “hóa giải”. Và ông Mitt Romney, cựu thống đốc Massachusetts, người được xem là ứng cử viên sáng giá nhất đảng Cộng Hòa trong cuôc bầu cử tổng thống năm 2012, cũng đang tìm cách bán sách lược “hủy bỏ luật cải tổ y tế”. Đất nước đang đứng trước nhiều vấn đề quốc nội tất cả đều khá cấp bách, nghiêm trọng, từ kinh tế với hàng loạt bài toán cùa nó (thị trường địa ốc, công ăn việc làm, giám sát khu vực tài chánh), đến giáo dục, di dân, và những vấn đề quốc tế không kém nghiêm trọng, từ Mexico láng giềng trong loạn lạc vì nạn tập đoàn ma túy, đến Iraq, Iran, Afghanistan, Do Thái… Cho cuộc bầu cử tháng 11 tới, người ta không nghĩ đến cách lấy điểm nào khác đối với ngưới dân ngoài chuyện cải tổ y tế. Nhưng người dân, qua thăm dò cho thấy, nay đang thở một hơi nhẹ nhõm vì một chuyện lớn, nhức đầu, kéo dài, nay đã qua một cách khá thỏa đáng, để tính đến chuyện khác.
Khi nhìn và nghe đảng Cộng Hòa tiếp tục nói về cải tổ y tế, người ta chỉ có thể lắc đầu nói “Đúng là một đảng của những người chỉ biết ngúng nguẩy nói em chả” (a party of nay-sayers). Và về phần các công ty bảo hiểm và nhà thương, dược phòng, nay số thân chủ họ có thể có tăng được cả 15-20%. Làm sao họ có thể vui hơn được? [HNN]
Cảm ơn HNN và Việt Tribune
***************************
Đó là "Trò Chơi Dân Chủ" của xứ Cờ Hoa. Tuy nhức đầu nhưng rốt cuộc kết quả khá ngoạn mục! Không trách được ông Phó Tông Tông phát biểu một câu rất ư là hồ hởi khi chia xẻ hân hoan với "xếp B.O."
Chúc quý bạn vui cuối tuần.